image banner
Khu Căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, 1927 - 1945, Phần 1
Khu căn cứ Cách mạng Quỳnh Lưu là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh,  là “quê hương”, là “cái nôi” của phong trào cách mạng tỉnh Ninh Bình và huyện Nho Quan.
anh tin bai

LỜI NÓI ĐẦU

(Tài liệu Tuyên truyền Khu Căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, 1927 - 1945)

Khu căn cứ Cách mạng Quỳnh Lưu là một trong số Khu căn cứ Cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ kháng Nhật và chống Pháp tại tỉnh Ninh Bình, là trung tâm của Chiến khu Quang Trung (Chiến khu liên 3 tỉnh Hòa - Ninh - Thanh) - một trong bảy Chiến khu của cả nước thời Pháp thuộc. Với vai trò là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, nơi thành lập Đội Tuyên truyền giải phóng quân tỉnh Ninh Bình và cũng là nơi sinh ra những chiến sĩ cách mạng đầu tiên, tiêu biểu như: Bí thư Lương Văn Thăng, Bí thư Đinh Tất Miễn, Anh hùng Lương Văn Tụy, Bà Hà Thị Quế,… Quỳnh Lưu được coi là “quê hương”, là “cái nôi” của phong trào cách mạng tỉnh Ninh Bình và huyện Nho Quan. Trong những năm hoạt động và đấu tranh gian khổ (1927 - 1945), Quỳnh Lưu đã kiên trì giữ vững tổ chức cách mạng, luôn là “trung tâm” của phong trào cách mạng tỉnh Ninh Bình, đã đóng góp nhiều công sức, xương máu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trận đánh ngày 11/8/1945 là trận đánh đầu tiên của lực lượng vũ trang non trẻ Khu căn cứ Cách mạng Quỳnh Lưu, song đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 mà Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh đã giành được.

Nhận thức được tầm quan trọng về vị trí, vai trò và giá trị lịch sử của Khu căn cứ Cách mạng Quỳnh Lưu, Ban Thường vụ Huyện ủy Nho Quan xác định công tác tuyên truyền, giáo dục, gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng là nhiệm vụ quan trọng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để giáo dục cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng yêu nước niềm tự hào, tự tôn dân tộc, về truyền thống lịch sử và văn hóa của quê hương nói chung, truyền thống của đất và người Nho Quan, Khu căn cứ Cách mạng Quỳnh Lưu nói riêng; góp phần quan trọng trong xây dựng con người Việt Nam “giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, có tình nghĩa, có tinh thần quốc tế chân chính” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay cũng như nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của Cách mạng Việt Nam, đó là: xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

“Tài liệu tuyên truyền Khu căn cứ Cách mạng Quỳnh Lưu (1927 - 1945)” do Ban Thường vụ Huyện ủy Nho Quan chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan biên soạn dựa trên những tư liệu, tài liệu lịch sử đã được công nhận, kiểm định như: “Lịch sử Đảng bộ huyện Nho Quan, (1930 - 2000)”, cuốn sách “Nho Quan miền đất cổ”, “Dư địa chí huyện Nho Quan”, cuốn sách “Lương Văn Thăng - Người Bí thư Chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Ninh Bình”, Lịch sử Đảng bộ các xã thuộc vùng Quỳnh Lưu trước đây, trong đó trọng tâm là “Lịch sử Đảng bộ xã Quỳnh Lưu, 1930 - 2005” cùng một số ấn phẩm của huyện đã phát hành dịp kỷ niệm 60 năm Quỳnh Lưu kháng Nhật và Đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2005). Cuốn tài liệu đã khái quát ngắn gọn, cô đọng lại về địa thế, địa danh, những sự kiện, nhân vật,… góp phần làm nên giá trị lịch sử của đất và người Quỳnh Lưu trong giai đoạn tiền khởi nghĩa đến Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Với dung lượng ngắn gọn cùng một số hình ảnh minh họa, Ban biên tập cuốn tài liệu mong muốn sẽ được bạn đọc đón nhận, nghiên cứu, tìm hiểu. Cuốn tài liệu cũng sẽ là tư liệu hữu ích để cấp ủy các địa phương trong huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Ban Thường vụ Huyện đoàn tổ chức các hoạt động sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề, các hội thi, hội nghị tuyên truyền; kết hợp chặt chẽ giữa tài liệu với đi tham quan, trải nghiệm thực tế, xem phim tư liệu,… để nắm được những nét cơ bản, nổi bật nhất về Khu căn cứ Cách mạng Quỳnh Lưu - vùng đất đã đi vào lịch sử, là niềm tự hào không chỉ của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, các dân tộc huyện Nho Quan mà còn là niềm tự hào của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình.

Quá trình biên tập cuốn tài liệu, Ban biên tập trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình, Sở Thông tin và Truyền thông; các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân huyện; sự phối hợp chặt chẽ của các đồng chí Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Huyện đoàn; Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng ủy - Hội đồng Nhân dân - Uỷ ban Nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã, thị trấn có liên quan, nhất là xã Quỳnh Lưu; sự đóng góp trách nhiệm của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, thành viên Ban biên tập đã góp phần hoàn thành, cho ra mắt cuốn tài liệu trong thời gian sớm nhất để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục lịch sử trên địa bàn huyện.

Trong quá trình biên tập tài liệu khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, và các tầng lớp Nhân dân,…để Ban biên tập tiếp thu, tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện hơn trong những lần phát hành sau.

(Nguồn: FB Hừng đông Nho Quan)

  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập