image banner
Khu Căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, 1927 - 1945 - Phần 2
Phần II: Căn cứ địa Cách mạng Quỳnh Lưu và những sự kiện trọng đại trong giai đoạn 1927-1939
anh tin baianh tin bai

Phần II

CĂN CỨ ĐỊA CÁCH MẠNG QUỲNH LƯU VÀ NHỮNG SỰ KIỆN

TRỌNG ĐẠI TRONG GIAI ĐOẠN 1927 - 1939

I. Sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Ninh Bình tại Quỳnh Lưu (1927 - 1929)

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Tại tỉnh Ninh Bình, sau khi đánh chiếm, chúng thiết lập bộ máy cai trị theo kiểu thống trị trực tiếp. Ở vùng Quỳnh Lưu, chúng sử dụng giai cấp địa chủ, phong kiến làm công cụ đàn áp và bóc lột Nhân dân ta. Bộ máy thống trị của chúng được thiết lập đến tận thôn, xóm. Nhằm khai thác thuộc địa, thực dân Pháp ra sức cướp đất của Nhân dân lập nên những đồn điền cây công nghiệp và chăn nuôi nhằm bóc lột nhân công rẻ mạt và tài nguyên trong vùng. Chúng lợi dụng tôn giáo để mê hoặc và bòn rút của cải của Nhân dân, đồng thời dùng bọn phản động đội lốt tu hành để xây dựng lực lượng chống phá cách mạng. Pháp còn dùng chính sách “ngu dân” để cai trị. Chính sách cai trị hà khắc của thực dân, phong kiến đã đẩy Nhân dân vào đường cùng, không lối thoát. Mâu thuẫn giữa Nhân dân trong vùng với thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai, mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ phong kiến ngày càng sâu sắc. Không chịu nổi sự áp bức bóc lột nặng nề, Nhân dân vùng Quỳnh Lưu đã đứng dậy đấu tranh, hăng hái tham gia các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược.

Các cuộc khởi nghĩa giai đoạn đầu chưa giành được thắng lợi, nhưng là biểu hiện của ý chí đấu tranh giành độc lập trong Nhân dân. Phát huy truyền thống đó, Nhân dân vùng Quỳnh Lưu sẵn sàng đi theo cách mạng khi có ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin soi đường.

Năm 1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một tổ chức cách mạng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu (Trung Quốc) nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam. Năm 1926, nhiều thanh niên Nam Định được đưa đi Quảng Châu huấn luyện cách mạng, làm hạt nhân cho phong trào cách mạng ở Nam Định, Ninh Bình.

Tháng 6 năm 1927, đồng chí Nguyễn Văn Hoan, bí danh Kính Trắng - là cán bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, sau khi dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu về nước, được tổ chức cử về Ninh Bình để gây dựng cơ sở. Đồng chí đã đến làng Lũ Phong (xã Quỳnh Lưu), nơi có người bạn cùng quê dạy học là đồng chí Vũ Ngọc Toản để bắt mối phát triển phong trào cách mạng. Được đồng chí Toản giới thiệu, đồng chí Nguyễn Văn Hoan đã phát triển cơ sở tới nhà Nho yêu nước, có tinh thần phản kháng chế độ đương thời là cụ Lương Văn Thăng. Thông qua mối quan hệ gia đình, bạn bè, thầy trò, đồng chí Lương Văn Thăng đã dần dần giác ngộ thêm một số người cùng chí hướng. Các tài liệu, sách báo tiến bộ và cuốn “Đường Kách mệnh” do đồng chí Nguyễn Ái Quốc biên soạn đã được những người có học thức, có lòng yêu nước tiếp thu.

Tháng 9 năm 1927, Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên được thành lập tại làng Lũ Phong, tổng Quỳnh Lưu gồm 8 hội viên(), đồng chí Lương Văn Thăng làm Bí thư. Từ đó các đồng chí trong chi bộ đã tuyên truyền, giáo dục cách mạng, phát triển thêm một số hội viên mới ở vùng này và các xã lân cận, làm cơ sở cho việc phát triển Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ra nhiều nơi trong huyện và tỉnh(). Ngày 17 tháng 6 năm 1929, Đông Dương cộng sản Đảng được thành lập và cử cán bộ đi khắp nơi trong nước để tuyên truyền về tuyên ngôn, điều lệ và gây dựng cơ sở Đảng.

Ngày 24 tháng 6 năm 1929, thực hiện quyết định của Ban Tỉnh ủy Đông Dương cộng sản Đảng “chuyển các Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên thành Chi bộ Đảng”; đồng chí Nguyễn Văn Hoan về lại làng Lũ Phong, trên cơ sở lựa chọn những đồng chí tiên tiến giác ngộ nhất trong Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên chỉ đạo thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, do đồng chí Lương Văn Thăng làm Bí thư, lúc này chi bộ có 6 đồng chí(). Sau khi Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Quỳnh Lưu được tổ chức, Ban Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng Ninh Bình được thành lập tại Nho Quan, đánh dấu bước chuyển về chất của phong trào cách mạng địa phương; các chi bộ ở Trường Yên (Gia Khánh), Côi Trì (Yên Mô) cũng được tổ chức. Từ đó phong trào cách mạng được chi bộ lãnh đạo với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Ngày 7/11/1929, để kỷ niệm 12 năm cách mạng tháng Mười Nga thành công, đồng chí Nguyễn Văn Hoan và đồng chí Lương Văn Tụy đã cắm lá cờ Đảng trên đỉnh núi Non Nước thị xã Ninh Bình, truyền đơn của Đảng được rải khắp nơi trong tỉnh.

(Nguồn: FB Hừng đông Nho Quan)

Hừng đông Nho Quan
  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập